Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chiến lược Marketing du lịch quốc gia Việt Nam đến năm 2030

Ngày 2/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL.

Theo đó, Chiến lược được ban hành nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Du lịch Việt Nam sẽ hướng đến củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch Việt Nam; Khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, được lựa chọn hàng đầu tại các thị trường mục tiêu, đáp ứng nhu cầu khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; Tăng lượng truy cập website, lượng thành viên tham gia các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của các hoạt động marketing kỹ thuật số.

Đồng thời, cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch (về chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá…) thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

 

Mục tiêu đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 – 5%/năm.

Về định vị thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia, tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực. Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu, gắn thương hiệu du lịch Việt Nam với thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch. Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu.

Về tiêu đề, biểu tượng, tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam – Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Phát triển các tiêu đề, biểu tượng nhánh phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng giai đoạn.

Về định hương sản phẩm du lịch, tập trung tiếp thị các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu gồm có: Du lịch biển, đảo, du thuyền (www.lux-cruises.com); Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch đô thị, trong đó, tập trung vào các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa; gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp.

Về định hướng thị trường quốc tế, giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.

Đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2022-2025, sẽ phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.

Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa các hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại.

Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch marketing kỹ thuật số gắn kết với kết quả phân tích, đánh giá dữ liệu thực tế. Tập trung đầu tư marketing nội dung, xây dựng cơ chế phát triển, phân phối nội dung, các sản phẩm sáng tạo và cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động marketing du lịch; Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.

Tổng cục Du lịch là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam. Trên cơ sở kinh phí được ngân sách nhà nước cấp và mục đích hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch quy định tại Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược. (TITC)

Leave a comment


Emperor Cruises là thành viên của Lux Cruises Group , hãng du thuyền boutique™ đầu tiên của Việt Nam với hơn 20 năm mang đến những trải nghiệm đích thực và độc đáo.

TRỤ SỞ CHÍNH HÀ NỘI
456 Lạc Long Quân, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
+84-24-3927-3475
+84-886-036-668
VĂN PHÒNG HẠ LONG
Lô 28b, cảng quốc tế Tuần Châu, TP. Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
+84-293-659-0118
VĂN PHÒNG NHA TRANG
74 Tô Hiệu, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
+84-258-388-7782
+84-914-596-396
VĂN PHÒNG hồ chí minh
Tầng 4, số 35 Hoàng Diệu, phường 13, quận 4, TP. Hồ Chí Minh.
+84-886-039-009

Emperor Cruises © 2025. All Rights Reserved.

May I Assist You?