Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và chủ tịch Hồ Chí Minh

“Ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.

“Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:

— Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.

“Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:

— Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.

— Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.

“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:

— Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…

“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.

“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).

“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:

— Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.

“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).

“Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..

“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.

Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.

Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.

Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.

“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.

“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:

Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:

— Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.

Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.

— Ai là Nguyễn Ái Quốc?

Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.

“Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.

“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…

“… Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:

— Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.

— Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.

— Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.

— Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.

Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)

“… Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.

“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)

….

Vài bình luận về những sự kiện kể trong những đoạn dịch

1) Bảo Đại cũng như hầu hết mọi người thời ấy, chỉ nghe đồn chứ không biết Việt Minh là gì, Hồ Chí Minh là ai.

Người biết nhiều về Việt Minh nhất là Tạ Quang Bửu khi nói với Bảo Đại về Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và Trần Văn Giầu ở Sài Gòn. Nhưng ở Huế là ai? Ông Phạm khắc Hòe, ngự tiền văn phòng của Bảo Đại, được sai ra ngoài Thành Nội hỏi tin tức ai là người của Việt Minh, trở về tay không. Dễ hiểu: Việt Minh chánh cống còn ở Hà Nội, chưa kịp vào Huế. Người Việt Minh chánh cống đầu tiên vào Huế là Trần Huy Liệu mà nếu xét kỹ lí lịch thì cũng chỉ là cựu VNQDD trở cờ. Cù Huy Cận chỉ là kẻ theo đuôi.

2) Bảo Đại dù tây học, nhưng cũng như đa số người dân hồi ấy, vẫn còn mê tín, tin là ông Hồ có được mệnh trời.

Hai câu sấm Trạng Trình “Bao giờ sen mọc biển Đông (Nhật), cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi”, được giảng là nhằm triều đại nhà Nguyễn và “Đụn sơn phân giới… Nam đàn sinh thánh”, được cho là ứng vào Hồ Chí Minh. Những đồn đại về cụ Hồ mắt sáng như sao, có 2 con ngươi… đã áp đảo tinh thần ông Bảo Đại, khiến ông tự thấy phải thoái vị để theo đúng mệnh trời. (tr119)

3) Ngay khi mới gặp ông Hồ ở Hà Nội, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc như cả triệu người dân Việt thời ấy.

Gặp ông Hồ lần đầu tiên, Bảo Đại đã có ấn tượng tốt vì phong độ nửa đạo sĩ nửa nhà nho của ông Hồ. Nhưng cũng như 99% dân chúng Việt Nam thời đó, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc vì 2 chữ Độc Lập và Thống Nhất. Ai cũng như ai đều cho Độc Lập là Tất cả: là thoát khỏi vòng bị trị, là tự do, là thống nhất, là Bác Hồ, là Nguyễn Ái Quốc, là kháng chiến theo con đường cộng sản. Cả triệu người Việt Nam nghe theo tiếng hô Độc lập của Bác để bị dẫn vào con đường này rồi đi lần lần tới cộng sản.

4) Bảo Đại không có thiện cảm với những người quốc gia

Được mục kích những cảnh hỗn loạn ở Hà Nội gây ra bởi những đám quân Tàu, Bảo Đại ghét lây những người quốc gia vì những người này đã theo quân đội Tàu trở về Việt Nam, mặc dù trong số những người này có người muốn tôn ông làm minh chủ để đối lại với Hồ Chí Minh.

5) Bảo Đại chỉ là phát ngôn viên của ông Hồ

Mang tiếng là cố vấn tối cao, không thấy Bảo Đại đưa ra ý kiến nào trong suốt thời gian làm cố vấn. Trái lại, những thông điệp gửi cho các lãnh đạo nước ngoài, tuy mang tên Bảo Đại, nhưng đều do ông Hồ tự thảo. Và khi đi cùng với ông Hồ gặp đại diện các nước Đồng Minh, những lời tuyên bố của ông Bảo Đại cũng chỉ là những lời đã được ông Hồ mướm trước. Ông Hồ chỉ dùng Bảo Đại như một phát ngôn viên và như một nhân chứng để khẳng định với Đồng Minh là Bảo Đại đã tự trao quyền hành chứ không có sự cướp đoạt quyền hành. Tuy vậy ông Hồ vẫn luôn luôn nghi ngờ Bảo Đại nên không bao giờ để cho đi một mình. Bảo Đại trái lại vẫn luôn luôn tin tưởng vào ông Hồ, luôn luôn tỏ ra trung trực với ông Hồ, ngay cả khi đã biết chắc mình đã bị bỏ rơi. Chứng cớ là khi Phạm Ngọc Thạch tới Hồng Kông đưa cho mấy nén vàng, vẫn một mực hỏi khi nào được ông Hồ gọi về. Thế mới biết sức hấp dẫn của ông Hồ mạnh đến chừng nào!

6) Đề nghị Bảo Đại thay mình là một mánh khóe của ông Hồ khi bị chống đối về dự định ký với Pháp cho Pháp trở lại Việt Nam

Đề nghị này được Bảo Đại kể lại trong cuốn “Rồng Nam” (tr 150 ). Tôi không thấy có tài liệu nào nói đến. Có nhiều người cho là ông Bảo Đại bịa ra. Tôi, ngược lại, tin là có thật vì lí do sau đây:

Để nắm trọn quyền hành trong tay, ông Hồ phải tìm cách gạt những đảng phái quốc gia ra ngoài. Muốn vậy, phải làm sao đuổi được bọn Tàu ra khỏi nước, khiến các lãnh tụ quốc gia từ trước tới nay vẫn dựa vào Tàu, nếu không muốn bị thủ tiêu, chỉ còn cách bám theo Tàu, trốn khỏi Việt Nam. Vấn đề là quân đội Tàu lấy danh nghĩa là được lệnh Đồng Minh vào Bắc Việt để giải giới quân đội Nhật, sẽ ở ỳ không bao giờ chịu về. Muốn đuổi Tàu ra khỏi nước, chỉ có cách là điều đình với Pháp, đem Pháp vào thay thế Tàu. Nhưng làm như vậy ông Hồ sẽ mất mặt với toàn dân và Việt Minh sẽ mất chính nghĩa giành độc lập. Các đảng phái Quốc gia, vì sự sống còn của mình, sẽ nhao nhao chống đối, sẽ giành được chính nghĩa, huy động toàn dân đánh Pháp với súng ống của quân Tàu giải giới Nhật để lại. Lực lượng Việt Minh hồi ấy thật ra cũng chả mạnh hơn gì các đảng phái quốc gia tuy được phóng đại vì khéo tuyên truyền, sẽ chỉ còn cách chạy ra khỏi nước. Nhưng đi đâu? Tàu Mao thì còn quá xa! Không có lẽ lại trốn qua Pháp, nương tựa vào đảng Cộng sản Pháp?

Ông Hồ thấy chỉ còn một giải pháp là đưa Bảo Đại lên thay mình. Tất nhiên là Bảo Đại sẽ chỉ là chủ tịch bù nhìn với một nội các bù nhìn, còn mọi quyền hành thật sự vẫn nằm trong tay “Cố vấn” Hồ Chí Minh. Trách nhiệm về chuyện ký với Tây, đem Tây trở lại sẽ đổ lên đầu ông Bảo Đại hết! Ngoài ra, một khi ông Bảo Đại đã dính với ông Hồ, các đảng phái quốc gia cũng không còn có thể tôn ông làm minh chủ thay thế ông Hồ trước mặt toàn dân được..

Ông Bảo Đại mãi về sau mới hiểu lí do vì sao có sự thay đổi của ông Hồ: Với vàng bạc của “Tuần lễ vàng”, ông Hồ đã đút lót tướng Tiêu Văn để viên tướng này nói với chủ tướng của mình là tướng Lư Hán làm áp lực với các lãnh tụ quốc gia, đặc biệt là VNQDD, tham gia chính phủ Hồ Chí Minh và cùng ký thỏa ước với Pháp. Không biết các lãnh tụ này được Tiêu Văn thí cho bao nhiêu cây vàng. Nhưng đã tự đào hố chôn mình. Và ông Hồ thấy “Giải pháp Bảo Đại” của mình không cần thiết nữa!

Nhưng ông Bảo Đại vẫn bị ông Hồ gài vào cái bẫy “Thỏa ước 6-3” khi được ông Hồ cho cái hân hạnh mỗi tối cùng ông thảo cái bản thỏa ước này. Lịch sử khó mà kết tội ông Hồ đã đem Tây vào vì tự ông Bảo Đại đưa ra chứng cớ là đã cùng ông Hồ thảo bản Thỏa ước và các đảng Quốc gia cũng há miệng mắc quai vì bản Thỏa ước có chữ ký của Vũ Hồng Khanh.

7) Còn một nghi vấn nữa: Bảo Đại, sau khi tham dự phái đoàn đi gặp Tưởng Giới Thạch, đã cố ý ở lại hay bị ông Hồ bỏ rơi?

Có nhiều người cho là Bảo Đại đã lợi dụng tham gia phái đoàn qua Tàu, trốn ở lại.

Tôi thì nghĩ ông Bảo Đại đã bị ông Hồ vắt chanh bỏ vỏ:

– Nếu thật sự ông Bảo Đại muốn ở lại thì ngay khi gặp Tưởng Giới Thạch đã xin ở lại, đã không can thiệp để phái đoàn của ông Hồ được Tưởng Giới Thạch tiếp. Và nhất là khi gặp tướng Marshall, đã không khẳng định chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ đoàn kết quốc gia được Hồ Chí Minh thành lập với ý chí thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng của dân tộc Việt Nam và đã không nói xấu chế độ Quốc dân đảng Tàu.

– Nếu thật sự muốn ở lại thì sao sau hơn 3 tuần ở Trùng Khánh (Từ 23-3 đến 15-4 ), lại theo phái đoàn đi Côn Minh để đổi máy bay trở về Hà Nội?

– Chuyện sắp lên máy bay trở về Hà Nội thì nhận được tin nhắn của ông Hồ nói ở lại, cũng khả tín. Chắc chắn là tin nhắn này đã được ông Hồ viết từ trước và đưa cho một người thân tín trong phái đoàn để phút cuối cùng mới đưa cho ông Bảo Đại, gây bất ngờ để ông Bảo Đại không kịp phản ứng, không kịp nghĩ đến vợ con còn ở Việt Nam, quần áo không có, một xu dính túi cũng không.

Chẳng qua là ông Hồ, sau khi đã lợi dụng đến tận cùng ông Bảo Đại để làm lá chắn cho mình trước mặt Đồng Minh và đã ký được thỏa ước đem quân Pháp vào thay thế quân Tàu, thì thấy đã đến lúc vứt vỏ vì đã vắt hết chanh.

Kết luận

Ông Hồ đã 2 lần lầm lỡ:

Lần thứ Nhất: Ngay từ đầu năm 1946, để đuổi Tàu Quốc, ông Hồ đã đề nghị Bảo Đại thay mình làm chủ tịch nước, điều đình với Pháp để Pháp thay thế Tàu rồi lại trở mặt! Hậu quả: 8 năm chiến tranh chống Pháp cho Tàu và đất nước bị chia đôi.

Lần thứ Hai nặng hơn nhiều: Đẩy Bảo Đại ra khỏi nước. Nếu còn giữ Bảo Đại trong nước thì năm 1950 khi Mao chiến thắng tới sát biên giới, để tránh phải phụ thuộc Tàu Cộng, ông Hồ có thể lấy lại cái “giải pháp Bảo Đại” năm 1946 của mình, điều đình với Pháp. Không những đã rút ngắn chiến tranh Việt Pháp được 4 năm, mà cái quan trọng hơn hết là sẽ không có cuộc nội chiến kéo dài thêm 20 năm với 4 triệu người chết, với hậu quả là đất nước ngày nay thuộc quỹ đạo Tàu không biết bao giờ mới thoát khỏi! Đó là cái tội lớn nhất của ông Hồ đối với lịch sử.


Chủ tịch và ông cố vấn – Tranh sơn mài hoạ sĩ Đỗ Văn Tăng.

Leave a comment


Emperor Cruises là thành viên của Lux Cruises Group , hãng du thuyền boutique™ đầu tiên của Việt Nam với hơn 20 năm mang đến những trải nghiệm đích thực và độc đáo.

TRỤ SỞ CHÍNH HÀ NỘI
456 Lạc Long Quân, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
+84-24-3927-3475
+84-886-036-668
VĂN PHÒNG HẠ LONG
Lô 28b, cảng quốc tế Tuần Châu, TP. Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
+84-293-659-0118
VĂN PHÒNG NHA TRANG
74 Tô Hiệu, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
+84-258-388-7782
+84-914-596-396
VĂN PHÒNG hồ chí minh
Tầng 4, số 35 Hoàng Diệu, phường 13, quận 4, TP. Hồ Chí Minh.
+84-886-039-009

Emperor Cruises © 2025. All Rights Reserved.

May I Assist You?