Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, với một lịch sử hình thành vô cùng thú vị, gắn liền với dòng họ Mạc những ngày đầu khai hoang trên mảnh đất này cách nay gần 400 năm. Chúa Nguyền rồi triều Nguyễn có công duy trì hoà bình, ổn định và phát triển vùng đất này trước cho đến khi lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp.
Theo trang mạng wikiwand.com thì năm 1671, một người Hoa tên là Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời Phúc Kiến đi về vùng biển phương Nam.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đoàn người của Mạc Cửu đặt chân lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur – Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681.
Trong năm 1680, Mạc Cửu đã lập một số ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên, và Cà Mau đã nhanh chóng trở thành thương cảng quan trọng. Có những thôn ấp định cư nằm san sát ở mé biển, khá thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, cũng có thôn ấp ở đất cao dọc theo Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.
Trở lại với quá trình mở mang vùng đất mới của Mạc Cửu, ông đã lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển như Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn về vùng đất phồn thịnh này ngày càng vang xa, do đó lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan đã xin đến đây lập nghiệp.
Kể từ đó nơi đây đã ra đời tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có). Năm 1708, Mạc Cửu bắt đầu liên lạc với Chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.
Tiếp đến vào năm 1724, Mạc Cửu lại một lần nữa dâng toàn bộ đất đai có được và được chúa Nguyễn phong chức đô đốc trấn giữ vùng lãnh thổ này, đồng thời đổi tên vùng Căn Khẩu thành Long Hồ dinh. Cho đến năm 1729, Long Hồ dinh đã nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất ở vùng vịnh Thái Lan.
Năm 1735 Mạc Cửu mất, con của ông là Mạc Sĩ Lân (sau đổi tên thành Mạc Thiên Tứ) được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Vì những cống hiến của gia đình họ Mạc, Ninh vương Nguyễn Phúc Trú đã nâng dòng họ Mạc lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh lúc bấy giờ được đổi tên thành trấn Hà Tiên.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu). Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn vùng lãnh thổ gồm hai phủ Tầm Bôn (thuộc Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị.
Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp gồm Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam).
Nói chung, toàn bộ vùng duyên hải bao quanh đảo Phú Quốc. Sau đó, Mạc Thiên Tứ đã dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra, đây chỉ là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương đã sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Năm Đinh Mùi (1787), chúa Nguyễn Ánh lấy lại được đất Hà Tiên từ tay người Xiêm La. Năm 1788, Nguyễn Ánh đem 2 đạo Kiên Giang và Long Xuyên nhập vào dinh Vĩnh Trấn (sau là Vĩnh Long). Chính hòn đảo Phú Quốc này đã cưu mang ông để sau này ông quay lại đất liền thu phục binh lực, đánh bại Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802 và lên ngôi hoàng đế, hiệu Gia Long. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, Gia Long (Nguyễn Ánh) lại tách 2 đạo này trả về cho trấn Hà Tiên như cũ.
Thời vua Tự Đức cho đến khi Pháp chiếm Hà Tiên (1847-1867), tỉnh Hà Tiên gồm 1 phủ (là phủ An Biên) với 3 huyện: Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên. Các huyện trước thuộc phủ Quảng Biên (đất Cần Bột (Kampot), Vũng Thơm) trả về cho nước Cao Miên.
Như vậy, tỉnh Hà Tiên nhà Nguyễn nằm kéo dài bên bờ vịnh Thái Lan (biển Tây), suốt từ Cà Mau đến Hà Tiên, có thời kỳ tới tận tỉnh Kampot và thành phố Sihanoukville (Kompong Som) của Campuchia, phía Đông giáp với tỉnh An Giang nhà Nguyễn, phía Tây Bắc, phía Bắc và phía Đông Bắc tiếp giáp Cao Miên.
Trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, xem xét về các địa danh trấn Hà Tiên, Đào Duy Anh viết: “… Chúng ta đã biết Vũng Thơm, Cần Bọt, Sài Mạt là dải đất từ lỵ sở Hà Tiên đến Sài Mít. Tức dải đất bờ biển phía tây nam nước Cao Miên. Còn Chân Sum thì Nhất thống chí (An Giang) chép là núi ở phía nam huyện Hà Âm cách 10 dặm, cách bờ sông Vĩnh Tế ở phía Nam 10 dặm. Huyện Hà Âm là huyện ở phía bắc sông Vĩnh Tế (phía âm của sông) nên gọi tên là thế, đối với huyện Hà Dương là huyện ở phía nam (phía dương của sông). Có thể đất Chân Sum là đất Sóc Sum của tỉnh KamPot.
Về Linh Quỳnh thì Nhất thống chí chép rằng núi Linh Quỳnh thuộc huyện Hà Châu cách 120 dặm và ở phía bắc sông Giang Thành, sông này có hai nguồn ra từ núi Linh Quỳnh. Linh Quỳnh tức địa điểm Linh Quỳnh của tỉnh KamPot nước Cao Miên. (Xem thế thì thấy rằng năm phủ Vũng Thơm, Cần Bọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh ở đời Nguyễn còn là đất của huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên và của huyện Hà Âm tỉnh An Giang, đến đời Tự Đức triều Nguyễn mới trả về nước Cao Miên).”
Ngày 24 tháng 6 năm 1867, tỉnh thành Hà Tiên bị thực dân Pháp chiếm. Sau nhiều năm do dự và phân thiết, địa bàn Hà Tiên được phân bổ ra các đơn vị hành chánh khá phức tạp, theo từng thời điểm khác nhau.
Sau bao biến cố lịch sử, hòn đảo Phú Quốc vẫn luôn là một phần lãnh thổ máu thịt của Việt Nam. Vùng đất giầu có văn hoá và lịch sử của người Việt Nam nằm trong vịnh Thái Lan, gần sát Campuchia, thành phố đảo Phú Quốc ngày nay nhiều tài nguyên du lịch chờ du khách tìm tòi, khám phá và trải nghiệm.