Phú Quốc là một hòn đảo lớn với nhiều đồi núi chập trùng. Có thể nói rừng núi là đặc trưng đầu tiên của đảo, cũng là một trong những vẻ đẹp của Phú Quốc.
Do cấu tạo địa chất và hệ mắt ma phun núi lửa trào nên đồi núi Phú Quốc đa số là núi đất đỏ kết hợp với đá granit. Núi non Phú Quốc là những dãy song song từ Bắc xuống Nam, phía Bắc cao hơn, thấp dần về phía Nam là địa hình dạng đồi núi xen kẻ các đồng bằng hẹp có độ dốc trung bình 15 độ, đồng thời cũng có những nhánh đâm ngang, dài nhất là dãy núi Hàm Ninh (30km), kế đó là dãy núi Hàm Rồng (10km) và dãy núi Bãi Dài.
Bên cạnh đó, phía Đông Bắc của đảo là khu vực có địa hình cao, đỉnh cao nhất là núi Chúa (603m), tiếp đến là núi Vò Quao (478m), núi Ông Thầy (438m), núi Đá Bạc (448m). Mặc dù, núi không cao lắm nhưng cũng đủ lớn và rộng; sự kết hợp giữa địa mạo và thảm thực vật đủ để chứa nước tạo nên những con suối trong rừng quanh năm nước chảy.
Phần lớn, diện tích đồi núi, rừng rậm chiếm tới 75% diện tích của đảo. Cây rừng trên đảo là một quần thể thực vật lớn với khoảng 900 loài, 600 chi, 200 họ. Hơn nữa, trên các dãy núi là một hệ thống động thực vật rất phong phú; rừng cây cổ thụ, những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý.
Gỗ lớn có tới 150 loài, 100 chi và khoảng 40 họ; đặc biệc có loại gỗ bời lời và vên vên chuyên để làm thùng đựng nước mắm, đóng ghe thuyền…Cây dược liệu có khoảng 60 loài, 60 chi, trên 40 họ… đã góp phần tạo nên sự hùng vĩ, độc đáo của đảo.
Ngoài ra, rừng Phú Quốc còn là nơi cư trú sinh sản của các loài động vật hoang dã khoảng 150 loài, 100 chi, gần 70 họ ( trong đó có 23 loài được ghi vào sách đỏ). Bên cạnh đó là ba hệ thực vật (Malaysia, Miến Điện và Hi Lạp Mã Sơn), tạo nên nguồn gen thực vật rất phong phú… Nhìn chung, có thể nói rừng núi Phú Quốc đang tạo ra một sắc thái trù phú riêng biệt của đảo.